Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Bài 31: Ung thư tuyến ức

1. ĐẠI CƯƠNG

U biểu mô tuyến ức là các khối u hiếm gặp có nguồn gốc từ tuyến ức bao gồm: u tuyến ức ác tính (Thymomas) và ung thư biểu mô tuyến ức (Thymic carcinomas). Đây là loại u hay gặp nhất trong các khối u trung thất trước, theo NCCN 2019 tỷ lệ mắc tại Mỹ khoảng 1,5 trường hợp trên một triệu dân, theo thống kê tại châu Âu, tỷ lệ này dao động từ 1,3 đến 3,2 trường hợp trên một triệu dân. Bệnh nhân u biểu mô tuyến ức nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời thường có tiên lượng tốt, tỷ lệ sống trên 5 năm của Thymomas khoảng 90%, tuy nhiên tỷ lệ này giảm đi với nhóm bệnh nhân Thymic carcinomas với 55%.

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Chẩn đoán lâm sàng

2.1.1. Triệu chứng lâm sàng

- Các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ không có triệu chứng đến có các triệu chứng liên quan đến sự xâm lấn, chèn ép của khối u vào các tạng lân cận cùng với các triệu chứng toàn thân.
- Các triệu chứng lâm sàng: đau ngực, ho, sốt, khó thở, nhược cơ…
- Tuyến ức khá gần với tĩnh mạch chủ trên nên bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện của hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên như: sưng nề vùng mặt, đau đầu, chóng mặt…
- U tuyến ức có thể được chẩn đoán gián tiếp sau khi bệnh nhân vào viện vì các triệu chứng của: nhược cơ, thiếu máu do bất sản hồng cầu, một số bệnh tự miễn…

2.1.2. Triệu chứng cận lâm sàng
a. Xquang ngực

Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tay giúp hỗ trợ các bác sĩ thăm khám, tuy nhiên bệnh ở giai đoạn sớm thường không có hiểu hiện gì đặc biệt, khi u tuyến ức to có thể thấy hình ảnh trung thất rộng, dấu hiệu bóng mờ…

b. Chụp cắt lớp vi tính (CT)

- Có giá trị cao, giúp bổ sung cho Xquang trong thăm khám, chẩn đoán u tuyến ức. Qua hình ảnh CT scan có tiêm thuốc cản quang giúp người thầy thuốc đánh giá được kích thước, sự xâm lấn và liên quan của khối u với cơ quan lân cận, tình trạng trung thất…
- Chụp cắt lớp vi tính cũng có thể hỗ trợ giúp định hướng sinh thiết tổn thương làm chẩn đoán xác định.

c. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Có giá trị trong việc chẩn đoán phân biệt với u trung thất nghi ngờ u thần kinh, phân biệt u tái phát hay tổ chức xơ ở bệnh nhân đã được xạ trị trước đó.

d. PET/CT (Positron Emission Tomography/ Computer Tomography)

Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị. Dựa trên hình ảnh PET/CT có thể hướng dẫn vị trí sinh thiết u chính xác hơn.

e. Xạ hình

- Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn.
- Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA để đánh giá chức năng thận trước điều trị và sau điều trị.

f. Các xét nghiệm khác

Công thức máu, sinh hóa máu, xạ hình chức năng thận… phục vụ cho sinh thiết, phẫu thuật, trước điều trị hóa chất toàn thân, theo dõi điều trị.

g. Xét nghiệm giải phẫu bệnh

- Giúp chẩn đoán xác định, bệnh phẩm có thể lấy từ sinh thiết xuyên thành ngực. Một số bệnh nhân việc lấy bệnh phẩm có thể từ các tổn thương di căn như hạch, xương…
- Xét nghiệm giải phẫu bệnh cũng giúp định typ mô bệnh học, phân mức độ ác tính của bệnh.
- Giải trình tự nhiều gen.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh cần phân biệt với các loại u trung thất khác như: u thần kinh, u tuyến giáp, ung thư phế quản, u nang bạch huyết, u màng ngoài tim…

2.3. Chẩn đoán giai đoạn

2.3.1. Phân chia u tuyến ức theo Masaoka và Tổ chức Y tế thế giới

Phân chia theo Masoaka

Phân chia theo TTYTTG

Bản chất

Giai đoạn I

Khối u có vỏ rõ, có thể có hiện tượng xâm lấn nhưng chưa vượt quá lớp vỏ trên vi thể

Typ A (tế bào hình thoi, thể tủy)

Lành tính

Giai đoạn II

 

Typ AB (hỗn hợp)

IIa

Vi thể u xâm lấn qua lớp vỏ

Typ B

Ác tính mức độ I

IIb

Đại thể xâm lấn qua lớp vỏ hoặc tổ chức mỡ cạnh tuyến ức hoặc dính vào màng phổi hoặc màng tim nhưng chưa vượt qua màng này.

B1 (giàu lympho bào phần lớn ở vỏ)

Giai đoạn III

Đại thể xâm lấn tới các cơ quan lân cận (màng tim, mạch máu lớn, phổi)

B2 (thể vỏ)

 

Giai đoạn IV

 

B3 (ung thư biểu mô tuyến ức biệt hóa rõ, biểu mô)

IVa

U thâm nhiễm ra màng phổi hoặc màng tim

Typ C (ung thư biểu mô tuyến ức)

Ác tính mức độ II

IVb

U di căn theo đường bạch huyết hoặc máu

2.3.2. Phân chia mức độ ác tính của u tuyến ức theo Shimosato

Tổn thương GPB

Giai đoạn

Mức độ ác tính

Typ A, AB, B1

I và II

Không (hoặc rất thấp)

III

Thấp

Typ B2, B3

I

Thấp

II và III

Trung bình

Ung thư biểu mô tuyến ức bao gồm: dạng biểu mô vảy biệt hóa thấp, dạng biểu bì chế nhày hoặc carcinoid

I và II

Trung bình

III

Cao

Ung thư biểu mô tuyến ức typ khác

Bất kỳ

Cao

2.3.3. Phân giai đoạn TNM theo AJCC 2017

T Khối u nguyên phát
Tx Không đánh giá được khối u nguyên phát
T0 Không có bằng chứng khối u nguyên phát
T1a U chưa xâm lấn màng phổi trung thất
T1b U xâm lấn tới màng phổi trung thất
T2 U xâm lấn tới màng ngoài tim
T3 U xâm lấn đến phổi, tĩnh mạch cánh tay đầu, tĩnh mạch chủ trên, động mạch hoặc tĩnh mạch phổi ngoài màng tim, thần kinh hoành, thành ngực.
T4 U xâm lấn động mạch chủ, cơ tim, khí quản, thực quản, cung tĩnh mạch, động mạch phổi phía trong màng ngoài tim.

N Hạch vùng
Nx Không đánh giá được hạch vùng
N0 Không có di căn hạch
N1 Di căn hạch trước tuyến ức
N2 Di căn hạch sâu trong lồng ngực, hạch cổ

M Di căn xa
M0 Không có di căn xa, không di căn màng phổi, màng tim
M1a Di căn màng phổi, màng ngoài tim
M1b Di căn xa, di căn nhu mô phổi. Giai đoạn:

T

N

M

Giai đoạn

T1a,b

N0

M0

I

T2

N0

M0

II

T3

N0

M0

IIIA

T4

N0

M0

IIIB

Tbất kỳ

N1

M0

IVA

Tbất kỳ

N0, N1

M1a

IVA

Tbất kỳ

N2

M1a

IVB

Tbất kỳ

Nbất kỳ

M1b

IVB

3. ĐIỀU TRỊ

3.1. Phương pháp điều trị

Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kết quả giải phẫu bệnh, việc điều trị cần kết hợp các phương pháp: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Phương pháp điều trị chủ yếu trong ung thư tuyến ức giai đoạn sớm là phẫu thuật, sau phẫu thuật điều trị bổ trợ tia xạ, hóa chất hay hóa xạ trị đồng thời phụ thuộc vào diện cắt, giai đoạn bệnh và mô bệnh học. Đối với trường hợp không phẫu thuật được điều trị hóa xạ trị đồng thời nếu chưa có di căn xa. Hóa chất là phương pháp điều trị chủ yếu trong giai đoạn di căn xa.

3.2. Phẫu thuật

- Phẫu thuật cắt bổ khối u tuyến ức khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, việc này cần được đánh giá kỹ càng bởi các nhà ung thư, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh, việc sinh thiết lấy tổn thương trước có thể không cần thực hiện vì nó có thể làm tăng nguy cơ tái phát sau phẫu thuật, phá vỡ vỏ khối u.
- Trước phẫu thuật bệnh nhân cần được đánh giá các triệu chứng của bệnh như nhược cơ, chức năng hô hấp và toàn trạng.
- Phẫu thuật với mục tiêu lấy tối đa tổn thương u và các mô, hạch quanh tuyến ức có khả năng di căn, cần kiểm tra màng ngoài tim, màng phổi.

3.3. Xạ trị

a. Xạ trị chiếu ngoài

- Chỉ định:
Xạ trị được chỉ định sau phẫu thuật và/hoặc kết hợp với hóa chất.
- Liều xạ: Liều xạ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, loại u tuyến ức.
+Liều 60-70Gy với bệnh nhân không thể phẫu thuật, phân liều 1,8-2Gy/ngày
+Xạ trị bổ trợ liều 45-50Gy
+Còn tổn thương diện cắt trên vi thể liều xạ 54Gy
- Mô phỏng: Chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc PET/CT, PET/MRI.
- Kỹ thuật: có thể dùng các kỹ thuật thường quy 3D, hoặc các kỹ thuật xạ trị tiên tiến giúp tăng hiệu quả, độ chính xác và giảm thiểu tác dụng phụ như xạ trị điều biến liều IMRT, xạ trị điều biến thể tích VMAT, xạ trị hạt nặng (proton therapy, heavy ion).

b. Xạ phẫu

Xạ phẫu có thể bằng dao gamma cổ điển, dao gamma quay, CyberKnife…
- Nguyên lý: Liều bức xạ hội tụ tại tiêu điểm khối u với liều rất cao gây hoại tử hoặc bất hoạt tế bào u, đồng thời liều xạ tại các mô lành ở mức tối thiểu, rất ít gây tác dụng phụ cho cơ quan lành xung quanh.
- Xạ phẫu được chỉ định cho các trường hợp di căn một vài ổ (Oligometastasis) đặc biệt các trường hợp di căn não.
- Trong thực hành lâm sàng, thường dùng 2 loại dao gamma cổ điển và dao gamma quay. Xạ phẫu được chỉ định cho các trường hợp di căn não một hoặc vài ổ. Nếu dùng dao gamma quay thì có thể điều trị với khối u có kích thước lớn hơn và nhiều khối u hơn khi xạ phẫu so với dao gamma thông thường.

c. Xạ trị áp sát

Cấy hạt phóng xạ vào khối u hoặc diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật.

d. Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT)

- IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.
- IORT có nhiều loại kích thước của đầu phát tia bức xạ (applicator) khác nhau tùy thuộc vào diện cắt và hình dạng khối u, hơn nữa diện tích xạ trị hạn chế nên hầu như không ảnh hưởng các cấu trúc bình thường xung quanh vùng chiếu xạ.

3.4. Điều trị toàn thân

3.4.1. Hóa chất

Một số phác đồ hóa chất

a. Điều trị bước 1

Phác đồ

Cách dùng

CAP

Ngày 1: Cisplatin 50mg/m2, truyền tĩnh mạch + doxorubicin 50mg/m2, truyền tĩnh mạch + Cyclophosphamide 500mg/m2, truyền tĩnh mạch.

Lặp lại sau mỗi 21 ngày trong tối đa 8 chu kỳ.

CAP với prednison

Ngày 1: Cyclophosphamide 500mg/m 2, truyền tĩnh mạch Ngày 1 đến 3: Cisplatin 30mg/m2, truyền tĩnh mạch

Ngày 1 đến 3: Doxorubicin 20mg/m 2 qua truyền, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ.

Ngày 1 đến ngày 5: Thuốc uống prednison 100mg. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong 3 chu kỳ.

ADOC

Ngày 1: Cisplatin 50mg/m2, truyền tĩnh mạch + doxorubicin 40mg/m2, truyền tĩnh mạch.

Ngày 3: Vincristine 0,6mg/m2, truyền tĩnh mạch

Ngày 4: Cyclophosphamide 700mg/m2, truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong 5 chu kỳ.

PE

Ngày 1: Cisplatin 60mg/m2, truyền tĩnh mạch trên 1 giờ

Ngày 1 - 3: Etoposide 120mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong tối đa 8 chu kỳ.

VIP

Ngày 1 lốc 4: Etoposide 75mg/m2, truyền tĩnh mạch + ifosfamide 1,2g/m2, truyền tĩnh mạch + cisplatin 20mg/m2, truyền tĩnh mạch.

Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong 4 chu kỳ.

Carboplatin + paclitaxel (ưu tiên cho ung thư biểu mô tuyến ức)

Ngày 1: Paclitaxel 200mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 3 giờ sau đó là carboplatin AUC=6, truyền tĩnh mạch trong 30 phút.

Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong tối đa 6 chu kỳ.

a. Điều trị bước 2

Etoposide

Ngày 1 đến ngày 3: Etoposide 120mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong tối đa 8 chu kỳ.

Ifosfamide

Ngày 1 đến ngày 5: Ifosfamide 1,5g/m2, truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong tối đa 9 chu kỳ.

Pemetrexed

Ngày 1: Pemetrexed 500mg/m2, truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau mỗi 3 tuần trong tối đa 6 chu kỳ.

5-FU + leucovorin

Ngày 1 đến ngày 5: 5-FU 300 đến 370mg/m 2, truyền tĩnh mạch + leucovorin 200mg/m 2, truyền tĩnh mạch truyền nhanh.

Lặp lại sau mỗi 28 ngày.

Gemcitabine

Ngày 1, 8 và 15: Gemcitabine 1.000mg/m 2, truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Lặp lại sau mỗi 28 ngày

Paclitaxel

Ngày 1, 8, 15, 22, 29 và 36: Paclitaxel 80mg/m2, truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau mỗi 8 tuần.

3.4.2. Điều trị đích

Sunitinib (chỉ định cho điều trị bước hai ung thư tuyến ức - Thymic carcinomas)
- Liều sunitinib 50mg uống mỗi ngày một lần trong 4 tuần, sau đó nghỉ 2 tuần.
- Lặp lại sau mỗi 6 tuần cho đến khi bệnh tiến triển.
Everolimus (chỉ định cho điều trị bước hai)
- Liều everolimus 10mg uống mỗi ngày một lần.
- Tiếp tục điều trị cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không được chấp nhận.
Octreotide (bao gồm cả LAR) ± prednison (chỉ định cho điều trị bước hai)
- Octreotide 0,5mg tiêm dưới da 2 lần/ngày ± prednison 0,6mg/kg/ngày.
- Điều trị cho đến khi bệnh tiến triển hoặc xuất hiện độc tính không chấp nhận được.

3.4.3. Điều trị miễn dịch

- Pembrolizumab được chỉ định cho điều trị bước hai ung thư biểu mô tuyến ức.
- Liều dùng: Pembrolizumab 200mg/ngày, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 3 tuần.

4. THEO DÕI SAU ĐIỀU TRỊ

Khám và theo dõi 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, các năm sau đó 6 tháng/lần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010). Điều trị nội khoa bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
2. Nguyễn Chấn Hùng (2004). Ung bướu học nội khoa. Nhà xuất bản Y học.
3. Mai Trọng Khoa (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
4. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang (2019). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
5. Bùi Diệu và cs (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
6. Nguyễn Văn Hiếu (2010). Điều trị phẫu thuật bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
7. Mai Trọng Khoa (2013). Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong ung thư. Nhà xuất bản Y học.
8. Mai Trọng Khoa, Nguyễn Xuân Kử (2013). Một số tiến bộ về kỹ thuật xạ trị ung thư và ứng dụng trong lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
9. Mai Trọng Khoa (2015). Hóa chất trong điều trị một số bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
10. Mai Trọng Khoa (2016). Kháng thể đơn dòng và phân tử nhỏ trong điều trị bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
11. National Comprehensive Cancer Network (2019). Thymomas and Thymic Carcinomas, version 2.2019. NCCN Clinical Practice Guideline in Oncology.
12. Thomas A, Rajan A, Berman AW, et al (2014). Phase II trial of sunitinib in patients with thymic epithelial tumors (TET) [abstract]. J Clin Oncol;32(suppl 5): Abstract 7525.
13. Zucali PA, De Pas TM, Palmieri G, et al (2014). Phase II study of everolimus in patients with thymoma and thymic carcinoma previously treated with cisplatin-based chemotherapy [abstract]. J Clin Oncol;32(suppl 5):Abstract 7527.
14. Lemma G, Lee J, Aisner S, et al (2011). Phase II study of carboplatin and paclitaxel in advanced thymoma and thymic carcinoma. J Clin Oncol;29:2060-2065.
15. Loehrer P, Yiannoutsos C, Dropcho S, et al (2006). A phase II trial of pemetrexed in patients with recurrent thymoma or thymic carcinoma. J Clin Oncol;24: 7079.