Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Bài 10: Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên do ung thư

1. ĐẠI CƯƠNG

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên là kết quả của sự tắc nghẽn dòng chảy qua tĩnh mạch chủ trên. Sự tắc nghẽn có thể do khối u xâm lấn hoặc chèn ép từ bên ngoài tĩnh mạch bởi các cơ quan lân cận như phổi phải, hạch lympho, khối u trung thất hoặc do huyết khối tĩnh mạch…

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Chẩn đoán xác định

2.1.1. Lâm sàng

- Cơ năng:
+Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất, khó thở liên tục hoặc từng cơn.
+Đau ngực: đau khu trú do khối u chèn ép hoặc đau lan tỏa.
+Ho, nuốt khó.
+Căng tức vùng đầu, triệu chứng tăng lên khi cúi xuống hoặc khi nằm.
+Ho, đôi khi ho ra máu
- Thực thể:
+Phù mặt, cổ.
+Phù áo khoác, phù tay.
+Tuần hoàn bàng hệ vùng cổ, ngực
+Một số bệnh nhân có biểu hiện phù não như đau đầu, lẫn lộn, co giật, hôn mê…
+Giãn tĩnh mạch vùng cổ, ngực, …

2.1.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm thường quy: công thức máu, chức năng gan thận, điện giải đồ, đông máu cơ bản, HbsAg, HIV…
- Chụp Xquang tim phổi: sơ bộ xác định nguyên nhân
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, PET/CT toàn thân: hình ảnh khối u hoặc hạch di căn gây tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên, mức độ và sự lan rộng tùy thuộc nguyên nhân tắc nghẽn.
- Siêu âm Doppler tĩnh mạch chi trên: cho phép chẩn đoán tắc nghẽn dòng chảy và sự lan rộng liên quan đến hình thành huyết khối.
- Chụp mạch có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch 2 chi trên: phát hiện vị trí tắc nghẽn.
- Xét nghiệm mô bệnh học: cho biết nguyên nhân gây tắc nghẽn là lành tính hay ác tính để có biện pháp điều trị hiệu quả.
- Các phương pháp sinh thiết khối u:
+Tế bào đờm, tế bào dịch màng phổi.
+Sinh thiết hạch ngoại vi.
+Sinh thiết tủy xương.
+Nội soi phế quản, soi trung thất, mở ngực hoặc sinh thiết khối u xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính…

2.2. Chẩn đoán nguyên nhân

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên có thể gặp trong nhiều loại bệnh ung thư, trong đó hay gặp là:
- Ung thư phổi
- U trung thất
- Ung thư thực quản xâm lấn khí quản, trung thất
- Ung thư thanh quản hạ họng
- U lympho ác tính không Hodgkin
- Ung thư vú
- Hạch di căn ung thư.

3. ĐIỀU TRỊ

3.1. Mục đích

- Giảm nhẹ triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
- Điều trị nguyên nhân phụ thuộc vào loại ung thư, sự lan rộng, loại mô bệnh học và các yếu tố tiên lượng bệnh.

3.2. Một số phương pháp xử trí hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên

- Thở oxy mũi kính 3-4 lít/phút nếu có suy hô hấp. Nếu suy hô hấp nặng cần nhanh chóng đặt nội khí quản thông khí nhân tạo.
- Bệnh nhân có biểu hiện hô hấp như khò khè, tổn thương đường hô hấp, chèn ép hệ thần kinh trung ương: đặt stent tĩnh mạch, sau đó xạ trị với liều tùy theo nguyên nhân chèn ép.
- Những bệnh nhân đang được xạ trị cấp cứu do u chèn ép đường thở: tiêm liều cao corticosteroid trong thời gian ngắn để làm giảm viêm, phù nề như: methylprednisolon 40mg (1-1,5mg/kg), tiêm tĩnh mạch 2-3 ống/ngày.
- Những bệnh ung thư nhạy cảm với hóa chất: ung thư phổi tế bào nhỏ, u lympho không Hodgkin, u tế bào mầm, ung thư vú thì nên hóa trị ngay theo phác đồ từng bệnh cụ thể, có thể đặt stent mạch máu trước khi hóa trị.
- Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ: đặt stent trước sau đó xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch.
- Bệnh nhân tái phát hoặc tiến triển có chèn ép tĩnh mạch chủ trên: nên đặt stent trước sau đó điều trị nguyên nhân bằng các phương pháp xạ trị, hóa trị...
- Bệnh nhân đã được đặt stent mạch máu, cần sử dụng thuốc chống đông kéo dài như: warfarin (Sintrom 4mg uống 1/2-1/4 viên/ngày).
+Xạ trị cấp cứu: trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chèn ép đường thở: 2Gy x 20 buổi, 3Gy x 10 buổi, 4Gy x 5 buổi.
- Phối hợp các phương pháp điều trị toàn thân tùy nguyên nhân cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010). Điều trị nội khoa bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
2. Mai Trọng Khoa (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
3. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang (2019). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
4. Bùi Diệu và cs (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
5. Mai Trọng Khoa, Nguyễn Xuân Kử (2012). Một số tiến bộ về kỹ thuật xạ trị ung thư và ứng dụng trong lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
6. Chee CE, Bjarnason H, Prasab A. (2007). Superior vena cava syndrome: an increase in Gly frequent complicatinon of cacdiac procedures. Nat Clin Pract Cardiovasc Med.
7. Dennis L. Kasper, Anthony S. Fauci, Stephen L. Hauser, Dan L. Longo, Joseph Loscalzo (2018). Harrison’s manual of Medicine. 20th edition.
8. Jame Abraham, James L. Gulley, Carmen J. Allegra (2010). The bethesda handbook of clinical oncology. Wolters Klumer: Lippincott Williams Wikins.
9. Rice TW, Rodriguez RM, Light RW (2006). The superior vena cava syndrome: clinical characteristics and evolving etiology. Medicine (Baltimore).
10. National Comprehensive Cancer Network (2019). Non Small Cell Lung Cancer, version 2.2019. NCCN Clinical Practice Guideline in Oncology.
11. Vincent T De Vita, Theodore S. Lawrence, Steven A. Rosenberg (2014). Cancer Principles and Practice of Oncology, 10th edition. Lippincott Ravell publishers. Philadelphia, United States.