Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng.

Bài 2: Phòng ngừa sự cố y khoa trong việc xác định người bệnh và cải tiến thông tin trong nhóm chăm sóc

MỤC TIÊU

Sau khi học bài này học viên có khả năng:

1. Nắm được các nguyên tắc để xác định đúng người bệnh và cải tiến thông tin trong nhóm chăm sóc

2. Áp dụng được các biện pháp để xác định đúng người bệnh và cải tiến thông tin trong nhóm chăm sóc

NỘI DUNG

1. Đặt vấn đề

Theo thống kê của ủy ban liên hợp quốc tế về an toàn bệnh nhân, các sự cố xảy ra trong trao đổi thông tin chiếm đến 65% của tất cả sự cố. Sự sai lạc trong trao đổi thông tin thường dẫn đến giữa các nhân viên y tế (NVYT) với nhau và giữa nhân viên y tế và bệnh nhân thường dẫn đến xác định sai người bệnh. Do đó, cần cải tiến và gia tăng sự trao đổi thông tin, phòng ngừa những sai sót, sự cố y khoa trong việc xác định người bệnh và cải tiến thông tin trong nhóm chăm sóc.

Các cơ sở y tế phải nhận ra được các rào cản đối với việc trao đổi thông tin hiệu quả và phải triển khai các qui trình trao đổi thông tin bằng lời nói hoặc bằng văn bản bảo đảm chính xác, kịp thời, và hoàn chỉnh giữa y bác sĩ và tất cả những người có liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Bảy phần trăm số người trả lời một cuộc thăm dò do Viện Thực  Hành Y Tế An Toàn tiến hành năm 2005 cho thấy rằng họ bị sai sót trong thực hiện thông tin do mệnh lệnh không rõ ràng, áp đặt.  Quản lý thông tin của cơ sở y tế  hiệu quả sẽ hỗ trợ các các hoạt động cải tiến nghiệp vụ chuyên môn, và hoạt động liên quan đến chăm sóc, điều trị, và phục vụ người bệnh, các hoạt động giảm rủi ro. Cải tiến thông tin giữa NVYT và bệnh nhân cũng hỗ trợ các hoạt động an toàn cho bệnh nhân. Từ năm 1995, chiến dịch “Hãy Phát Biểu Ý Kiến” của ủy ban liên hợp quốc tế đã khuyến khích bệnh nhân và gia đình trao đổi với người chăm lo sức khoẻ cho mình nếu họ có câu hỏi hoặc bức xúc về các khía cạnh chữa trị và đã giúp giảm thiểu sự cố do thiếu thông tin.

2. Nguyên tắc phòng ngừa sự cố

2.1. Quản Lý Thông Tin

Quản Lý Thông Tin bao gồm thu thập, lưu trữ, trích xuất, chuyển tải, phân tích, kiểm soát, phân phối, và sử dụng dữ liệu họăc thông tin, cả trong nội bộ cơ sở và với bên ngoài, theo đúng luật pháp và các qui định. Ngoài các thông tin bằng văn bàn và lời nói, công nghệ thông tin hỗ trợ và các dịch vụ thông tin hỗ trợ khác cũng nằm trong qui trình quản lý thông tin.

Quản lý thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định kịp thời và hiệu quả ở tất cả mọi cấp độ của cơ sở. Các qui trình quản lý thông tin hỗ trợ các quyêt định về mặt quản lý và thực hiện, các hoạt động cải tiến việc thực hiện, và các quyết định về chăm sóc, điều trị, và phục vụ bệnh nhân. Việc đưa ra quyết định về chuyên môn và mang tính chiến lược tuỳ thuộc vào thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm hồ sơ bệnh nhân, thông tin dựa trên kiến thức, dữ liệu/thông tin có tính so sánh, và dữ liệu/thông tin tồng thể.

Để hỗ trợ việc ra quyết định về chuyên môn, thông tin trên hồ sơ bệnh nhân phải gồm các điểm sau:

- Sằn sàng để khai thác trên toàn hệ thống

- Được lưu lại chính xác

- Hoàn chỉnh

- Được sắp xếp để trích xuất có hiệu quả các dữ liệu cần thiết

- Đúng hạn

- Các dữ liệu và thông tin mang tính so sánh về việc thực hiện phải sẵn sàng để ra quyết định, nếu áp dụng

- Cơ sở có khả năng thu thập và tổng hợp dữ liệu và thông tin để hỗ trợ việc chăm sóc và phục vụ, gồm những việc sau: Chăm sóc cá nhân và chăm sóc nói chung, quản trị và nghịêp vụ chuyên môn, phân tích các xu hướng theo thời gian, so sánh việc thực hiện theo thời gian trong nội bộ cơ sở và với các cơ sở khác, cải tiến nghiệp vụ chuyên môn và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Quản lý tốt thông tin đòi hỏi:

- Khuyến khích trao đổi và hợp tác giữa bác sĩ và điều dưỡng hoặc các nhân viên chăm sóc khác. Tránh văn hoá theo thứ bậc

- Xây dựng và khuyến khích hệ thống báo cáo không khiển trách, khuyến khích nhân viên báo cáo các tai nạn, sự ngừng hoạt động, hoặc cận-sự-cố. Có thể sử dụng những từ như tai nạn hoặc sự ngừng hoạt động thay vì lỗi, và trách nhiệm thay vì khiển trách. Cho phép báo cáo bí mật hoặc vô danh về các tai nạn y tế, cận-tai-nạn, và rủi ro trong qui trình hoặc môi trường chăm sóc.

- Khuyến khích việc sử dụng những phương tiện không chính qui để trao đổi về các bức xúc, các vấn đề, và các sai sót liên quan đến sự an toàn.

- Hỗ trợ việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm để tạo sự thay đổi về hành vi bên  trong và bên ngoài cơ sở. Chia sẻ những bài học liên quan đến các đề xuất an toàn trong một cơ sở y tế là một phương pháp tốt để giúp thúc đẩy một không gian văn hoá an toàn. Sự chia sẻ như thế thông qua những câu chuyện kể và những giai thoại cá nhân sẽ khiến người nghe chú ý, nhờ đó cải thiện cơ hội cho người nghe nắm được thông điệp. có thể được chia sẻ trong các buổi họp nhân viên, ở các hội nghị, thông qua các bài báo được xuất bàn, và bằng việc trao đổi thông tin.

- Huấn luyện có năng lực làm việc trong môi trường đồng đội và làm theo các hệ thống và qui trình sẽ hiếm khi nào phạm sai lầm ảnh hưởng đến sự an toàn ở cấp độ cơ sở. Do đó lãnh đạo phải bảo đảm việc huấn luyện toàn diện và kịp thời cho tất cả nhân viên trong các qui trình và phương thức thao tác.

- Cung cấp nguồn lực cần thiết để bảo đảm quản lý thông tin hiệu quả. Dữ liệu phải đồng bộ, kịp thời, và chính xác, và các phương thức thực hiện và các qui trình phải được lưu hồ sơ cẩn thận nhằm giảm bớt hoặc xoá bỏ những biến đổi hoàn toàn không cần thiết.

2.2. Xác định người bệnh

2.2.1. Các nguyên tắc chung trong xác dịnh người bệnh:

- Cần xác định một cách đáng tin cậy cá nhân đó chính là người mà ta phải chăm sóc, điều trị, và phục vụ

- Cần ráp nối việc chăm sóc, điều trị, và phục vụ của người bệnh với nhau

2.2.2. Các nội dung cần thiết trong xác dịnh người bệnh:

- Phải có hai mẩu thông tin để nhận dạng bệnh nhân (ví dụ, tên và ngày sinh của bệnh nhân). Có thể sử dụng băng cổ tay có ghi tên và một con số riêng biệt của bệnh nhân để nhận dạng chính xác bệnh nhân (tên và con số riêng biệt là hai mẩu thông tin).

- Hai công cụ nhận dạng cụ thể này phải được gắn kết trực tiếp với bệnh nhân, và cũng hai công cụ ấy phải được gắn kết trực tiếp với thuốc men, các sản phẩm về máu, các ống chứa mẫu vật lưu (chẳng hạn trên nhãn được dán vào).

2.3. Cải tiến việc trao đổi thông tin của nhân viên

Trao Đổi là qui trình nhờ đó thông tin được trao đổi giữa các cá nhân, các khoa phòng, hoặc các cơ sở. Việc trao đổi phải đi vào mọi khía cạnh của cơ sở y tế, từ thực hiện việc chăm sóc cho đến cải tiến, dẫn đến những tiến bộ đáng kể trong chất lượng và trong việc thể hiện chức trách. Các công đoạn của qui trình trao đổi thong tin gồm có:

- Trao đổi giữa nhà cung cấp dịch vụ y tế và/hoặc nhân viên y tế và bệnh nhân.

- Hướng dẫn bệnh nhân và gia đình họ.

- Trao đổi và hợp tác giữa các nhân viên.

- Phân phối thông tin.

- Làm việc theo đội ngũ đa ngành.

2.3.1. Các nguyên tắc chung trong cải tiến việc trao đổi thông tin của nhân viên:

- Lãnh đạo bệnh viện cần thông tin cho NVYT về vai trò của cải tiến việc trao đổi thông tin đối với chất lượng và sự an toàn trong chăm sóc sức khoẻ.

- Thất bại trong trao đổi thông tin phải được nhìn nhận là do lỗi hệ thống hơn là quy cho bất cứ một nhân viên cụ thể nào.

- NVYT phải nắm được lợi ích của việc làm việc nhóm, sự hợp tác, và trao đổi thông tin. để có được sự trao đổi thành công trong công việc

- Ngoài việc trao đổi giữa các thầy thuốc với nhau, và với các chuyên gia y tế khác, trao đổi giữa thầy thuốc với bệnh nhân và gia đình họ là rất cần thiết. . Bệnh nhân và các thành viên trong gia đình cũng cần được giáo dục về giá trị của việc trao đổi thông tin với người chăm sóc sức khoẻ cho mình.

- Cơ sở y tế cần phải nắm chắc bệnh nhân là ai.

2.3.2. Các nội dung cần thiết để cải tiến việc trao đổi thông tin của nhân viên:

- Xác định rõ ràng các phương pháp trao đổi thông tin được mong đợi. Sử dụng các tiến bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau để cải tiến việc trao đổi thông tin giữa các thầy thuốc. Trao đổi trực tiếp giữa các nhân viên y tế thường là cách tốt nhất để mang lại sự chăm sóc an toàn, chất lượng cao. Sử dụng tư liệu viết tay cần triển khai và thực hiện. Chú ý các tài liệu viết tay nhất thiết phải dễ đọc.

- Xây dựng hệ thống và qui trình để hoàn thiện việc trao đổi thông tin liên quan đến nhu cầu của bệnh nhân trong thời gian điều trị. Với sự tham gia của bác sĩ và các nhân viên điều trị khác, lãnh đạo phải xây dựng và thực hiện các hệ thống thông tin để chuyển tải thông tin từ người này qua người kia. Các báo cáo miệng trực tiếp và các tư liệu bằng văn bàn và điện tử là những thứ hiệu quả nhất. Các báo cáo thu qua băng đĩa, mặc dù thường được xem là phương tiện hỗ trợ, cũng không tạo cơ hội cho người chăm sóc sau đặt câu hỏi với người chăm sóc trước đó. Tuy nhiên, băng đĩa có thể được tham khảo nhiều lần và bởi nhiều người. Điều cần chú ý là bác sĩ và điều dưỡng phải nhận được tất cả mọi thông tin cần thiết khi bắt đầu chăm sóc một người bệnh. Các điều dưỡng phải lưu trữ những điểm quan trọng bằng phương tiện được triển khai ở cơ sở mình để chuyển giao cho ca trực kế tiếp.

- Xác định và đánh gia các phương pháp trao đổi thông tin được sử dụng tại cơ sở, bao gồm nói miệng, văn bản, và điện tử. Nhân viên nên khảo sát một cách có hệ thống các phương pháp trao đổi thông tin sẽ được sử dụng để xác định những phương pháp nào có thể bị lỗi. Việc chăm sóc dựa trên rất nhiều sự trao đổi bằng miệng và bằng văn bản và phương pháp nào cũng có thể bị lỗi. Việc lưu trữ hồ sơ điện tử và vi tính hoá việc kê đơn thuốc là hai việc giúp giảm rắc rối liên quan đến việc đưa ra y lệnh.

- Triển khai và thực hiện các phương thức hiệu quả để liên lạc với các chuyên gia. Liên lạc nhanh chóng với các chuyên gia và cố vấn là điều rất quan trọng của cơ sở y tế để baỏ vệ người bệnh khỏi những hậu quả xấu và bảo đảm điều trị được liên tục. Ví dụ, một bác sĩ cấp cứu cần liên lạc các chuyên gia như bác sĩ phẫu thuật chấn thương và bác sĩ phẫu thuật tim qua máy nhắn tin, điện thoại, hoặc các phương tiện khác để chăm sóc đúng cho bệnh nhân đang trong phòng cấp cứu với vết thương do súng đạn và cơn nhồi máu cơ tim.

- Khuyến khích thắc mắc khi nhận y lệnh không rõ ràng hoặc mang tích cách cưỡng bức. Nhân viên nên được khuyến khích đặt câu hỏi và thắc mắc về những gì không rõ ràng hoặc những y lệnh không thích hợp.

3. Biện pháp

3.1. Cải tiến sự chính xác trong việc xác định bệnh nhân

3.1.1. Biện pháp 1:

Sử dụng ít nhất hai công cụ nhận dạng bệnh nhân (nhưng cả hai đều không phải là số phòng hoặc số giường của bệnh nhân) bất cứ khi nào quản lý thuốc men và các sản phẩm về máu, lấy mẫu máu và các mẫu khác để xét nghiệm, hoặc làm công tác điều trị họăc bất cứ công việc nào khác

- Có thể sử dụng thông tin như tên bệnh nhân, ngày sinh bệnh nhân, hoặc mã vạch làm công cụ nhận dạng

- Khi kiểm tra tên với bệnh nhân, nhân viên y tế không bao giờ nên đọc tên và yêu cầu bệnh nhân xác nhận nó. Những bệnh nhân bị nhầm lẫn hoặc rối loạn hành vi có thể đồng ý ngay cả khi đó không phải là tên của họ. Cách làm an toàn hơn là yêu cầu bệnh nhân tự nói tên của họ.

- Trường hợp bệnh nhân hôn mê, thân nhân người bệnh phải xác định nhân thân cho họ. Nếu bệnh nhân hôn mê được đưa đến bệnh viện bởi công an hoặc dịch vụ cấp cứu và không có một chứng cứ nào về nhân thân, hỏi công an hoặc nhân viên cấp cứu về người bệnh, nếu có thể và cho họ số nhập viện hoặc số cấp cứu hoặc số hồ sơ.

ĐỐI VỚI CÁC PHÒNG XÉT NGHIỆM: Sử dụng ít nhất hai công cụ nhận dạng bệnh nhân (nhưng cả hai đều không là vị trí của bệnh nhân) bất cứ khi nào lấy mẫu cho phòng xét nghiệm hoặc quản lý thuốc men và các sản phẩm về máu, và sử dụng cả hai công cụ nhận dạng để dán nhãn cho các vật chứa mẫu có sự hiện diện của bệnh nhân. Các quy trình được xây dựng để vẫn giữ được tên chủ nhân của các mẫu trong suốt quá trình trước phân tích, đang phân tích, và sau phân tích.

3.1.2. Biện pháp 2: 

Ngay trước khi bắt đầu bất cứ thủ thuật xâm lấn nào, cần tiến hành qui trình làm rõ sau cùng để xác định chính xác bệnh nhân, phương pháp, vị trí, và sự sẵn sàng các hồ sơ thích hợp. Việc làm rõ này phải tiến hành ở nơi thủ thuật được thực hiện, ngay trước giây phút bắt đầu. Nhân thân bệnh nhân được tái xác định nếu bác sĩ thực hiện đã rời khỏi chỗ nằm của bệnh nhân trước khi bắt đầu thủ thuật. Đánh dấu vị trí thao tác là điều bắt buộc trừ khi bác sĩ liên tục có mặt từ lúc quyết định tiến hành phương thức cho đến khi bắt đầu thủ thuật.  

         Ba vấn đề sau đây cần được xác định:

- Người bệnh chính xác

- Phương pháp chính xác

- Vị trí thủ thuật chính xác

          Qui trình làm rõ sau cùng sử dụng các kỹ thuật trao đổi thông tin năng động. Tất cả nhân viên có liên quan đều phải ngưng lại - có nghĩa là, dùng một chút “thời gian không thao tác” – để làm rõ rằng đó chính là bệnh nhân chính xác, phương pháp chính xác, và vị trí chính xác.

          Tất cả thành viên của nhóm thực hiện phải tham gia vào qui trình làm rõ cuối cùng. Tất cả hoạt động trong phòng phải ngưng lại để mọi người tham gia. Mọi việc sẽ không được bắt đầu cho đến khi bất cứ và tất cả các câu hỏi và vấn đề đều được giải quyết. Việc thực hiện phải được đọc to lên, chính xác như trên văn bản đồng ý thực hiện. Ví dụ, tại cuộc phẫu thuật, tất cả các bước kế tiếp trong một ca có nhiều bước, tất cả mọi hoạt động phải ngưng lại, và một thành viên được chỉ định, chẳng hạn một y tá vòng ngoài sẽ đọc to cách thức tiến hành và vị trí thực hiện thao tác.

          Phải có chính sách cho việc làm rõ sau cùng và phải theo dõi đôn đốc việc tuân thủ  chính sách này,  bảo đảm tất cả thành viên đều theo đúng đường lối và xác định đúng các lĩnh vực cải tiến.

3.1.3. Biện pháp 3: 

Đưa bệnh nhân tham gia vào trao đổi thông tin.

Yêu cầu bệnh nhân nhắc nhở nhân viên y tế xác định nhân thân cho họ. Có thể yêu cầu cho bệnh nhân tham gia vào việc đánh dấu vị trí như một phần của qui trình trước khi thực hiện thủ thuật.

3.2. Cải tiến hiệu quà trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế

Cải tiến hiệu quà trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế

3.2.1. Biện pháp 1: 

Không khuyến khích lệnh miệng. Khi không thể tránh khỏi lệnh miệng:

- Nhân viên nhận lệnh miệng phải viết ra và đọc lại đúng nguyên văn cho người bác sĩ đã ra lệnh nghe. Người bác sĩ này sau đó xác nhận bằng miệng rằng lệnh đó là chính xác. Yêu cầu này áp dụng cho tất cả mọi y lệnh bằng miệng, không riêng cho y lệnh cấp thuốc.

- Đối với mệnh lệnh bằng miệng hoặc qua điện thoại về các kết quả xét nghịêm quan trọng, làm rõ mệnh lệnh đầy đủ hoặc kết quả xét nghiệm bằng cách yêu cầu nhân viên nhận lệnh “đọc lại” mệnh lệnh đầy đủ hoặc kết quả xét nghiệm. Tại phòng mổ hoặc phòng cấp cứu, điều dưỡng chuyên viên gây mê viết ra y lệnh và đọc lại cho người ra lệnh nghe. Người ra lệnh sau đó có thể xác nhận y lệnh bằng miệng. Để làm rõ hơn, người xử lý lệnh đó có thể đọc to lên trước khi thực hiện và một lần nữa nhận lời xác nhận từ người ra lệnh. Trong trường hợp khẩn cấp, việc “lập đi lập lại” vẫn phải được thực hiện.

- Những người nhận y lệnh cấp thuốc cần phải lập lại tên thuốc và liều lượng cho người ra y lệnh và yêu cầu hoặc tự làm việc đánh vần, dùng các cách trợ giúp như “B như trong quả bóng” , “M như trong Mary”. Tất cả con số phải được đánh vần, ví dụ, “21” phải được đọc là “hai một” để tránh nhầm lẫn

- Khi có thể, nhờ một người thư hai nghe mệnh lệnh qua điện thoại để làm rõ sụ chính xác.

- Ghi lại lệnh miệng trực tiếp vào hồ sơ của người bệnh

3.2.2. Biện pháp 2: 

Truyền đạt thông tin rõ ràng

- Tránh dùng chữ viết tắt. Ví dụ, “1v/3l/n” phải được viết rõ là “ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên”.

- Viết mục đích của thuốc trên y lệnh. Thông tin này có thể giúp dược sĩ kiểm tra y lệnh cho liều lượng và thời hạn thích hợp. Thông tin này cũng hạn chế sự nhầm lẫn tiềm ẩn của những loại thuốc trông giống nhau và nghe giống nhau.

- Y lệnh phải bao gồm tên thuốc, liều lượng, hàm lượng, số lần, lộ trình, khối lượng, và thời hạn.

- Có thể dùng các tờ đơn thuốc được in sẵn để nhân viên kiểm tra các ô có ghi y lệnh. Các mẫu đơn này làm giảm bớt thời gian viết y lệnh, xoá bỏ việc giải thích sai khi đọc các lệnh viết tay, tránh được nhầm lẫn và lỗi chính tả.

- Cung cấp tên khoa học và tên thương mại của tất cả các nhãn hiệu thuốc. Tất cả thuốc được phát theo đơn phải phải được dán nhãn một cách an toàn và hợp lý với một phương pháp chuẩn hoá trong một cách-thức-sẵn-sàng-để-quản lý nhất, nhằm hạn chế tối đa các sai sót. Các loại thuốc cho theo y lệnh phải có cả tên khoa học lẫn tên thương mại, nếu tên thương mại khác với tên khoa học. Các chuyên viên khảo sát sẽ thẩm định xem tên thuốc trên y lệnh, nhãn dán trên thuốc, và sổ theo dõi của điều dưỡng có giống nhau không. Việc cung cấp cả hai loại tên thuốc  bảo đảm sự nhất quán trong sổ sách và giúp ngăn ngừa việc giải thích sai y lệnh.

- Cung cấp cho bệnh nhân các thông tin bằng văn bản về thuốc, gồm cả tên khoa học và tên thương mại. Xác nhận các thuốc mà bệnh nhân thắc mắc hoặc không nhận ra.

3.2.3. Biện pháp 3: 

Chuẩn hoá danh mục các từ rút gọn, từ viết tắt, và các ký hiệu không được dùng trong cơ sở y tế.

- Cơ sở y tế cần phải rà soát toàn diện danh mục từ rút gọn sử dụng tại cơ sở, và, với sự tham gia của các bác sĩ, thực hiện một danh mục từ rút gọn và ký hiệu không chính thức được chia sẻ với tất cả người ra y lệnh.

- In danh mục trên giấy, giấy dán , bìa cứng, v. v.. màu sáng và đặt nó trong hồ sơ lưu, sơ đồ bệnh án, gần máy tính, và ở khu vực bệnh nhân nằm.

- Cung cấp cho nhân viên các thẻ bỏ túi có in danh mục.

- In danh mục ở lề hoặc ở cạnh dưới của các tờ y lệnh và/ hoặc phiếu theo dõi.

- Gắn các bản sao danh mục vào sau lưng của tờ ghi phác đồ điều trị.

- Xoá những từ viết tắt bị cấm trong tờ y lệnh in sẵn và trong các mẫu đơn khác.

- Triển khai thực hiện chính sách bảo đảm rằng nhân viên y tế tham khảo danh mục và tuân thủ.

3.2.4. Biện pháp 4: 

Đo lường, đánh giá kết quả và giá trị xét nghiệm quan trọng để cải tiến sự đúng giờ trong việc báo cáo, và trong tiếp nhận

- Báo cáo và tiếp nhận các kết quả và giá trị xét nghiệm quan trọng đúng thời điểm chính

- Tất cả các giá trị được xác định là quan trọng bởi phòng xét nghiệm đều được báo cáo trực tiếp cho nhân viên chịu trách nhiệm. Nếu nhân viên chịu trách nhiệm không có mặt ở đó trong thời gian làm việc, cần có cơ chế để báo cáo các thông tin quan trọng cho nhân viên trực.

- Xây dựng chính sách cho: (1) khung thời gian mong muốn cho việc báo cáo; (2) ai có thể nhận các thông số quan trọng, và (3) một cơ chế báo cáo thay thế.

4. Một số tình huống

Ví dụ 1: Điều dưỡng ở khoa phẫu thuật nhận máu tại ngân hàng máu. “Cho nhân bịch máu của bn Lan”. Vào thời điểm đó, có hai bịch máu của hai khoa khác nhau, nhưng đều cùng tên Lan. Nhân viên ngân hàng máu đưa bịch máu của bn Lan khoa khác. Điều dưỡng nhận về. BS thử phán ứng chéo có thấy hơi có ngưng tụ nhưng cho là không vấn đề gi và cho truyền. Bệnh nhân nhận được máu không đúng với mình; phản ứng truyền máu xảy ra và bệnh nhân tử vong.

Ví dụ 2: Một BS trực cấp cứu đang chuẩn bị ra về thì được yêu cầu xem bn cuối cùng . Bn 18 tuổi, theo người nhà nghĩ là uống paracetamol quá liều vì thấy l5 thuốc hết. Bn đang được điều trị tâm lý và khẳng định chỉ uống vài viên cách nhập viện 10 giờ. BS giải thích không cần súc rửa dạ dày và XN kiểm tra paracetamol and salicylate. XN báo qua điện thoại lả salicylate âm tính. Khi nói đến paracetamol, kỹ thuật viên nói “2” rồi ngừng một chút tiếp tục nói “1,3” . Điều dưỡng nghe máy ghi là 2.13. BS nhận KQ và so trên biểu đồ thấy thấp hơn mức độ bình thường nên không xử trí gì. KQ thật sự là 213. Hai ngày sau bn bị suy gan và tử vong 10 ngày sau đó.

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

Chọn cụm từ thích hợp để hoàn thiện các nội dung dưới đây:

Câu 1.  Quản Lý Thông Tin bao gồm (1)………., lưu trữ, trích xuất, (2) …………, chuyển tải, kiểm soát, phân phối, và sử dụng (3)……………họăc thông tin, cả trong (4)…………….và với bên ngoài, theo  đúng luật pháp và các qui định

Câu 2. Xây dựng và khuyến khích hệ thống báo cáo không khiển trách, khuyến khích nhân viên báo cáo (1) ……………., sự ngừng hoạt động, hoặc cận-sự-cố. Có thể sử dụng những từ như (2)………….hoặc sự ngừng hoạt động thay vì (3)……….. và (4)………….. thay vì khiển trách.

Chọn 1 hoặc nhiều câu trả lời đúng nhất:

Câu 3. Quản lý tốt thông tin đòi hỏi:

A. Khuyến khích trao đổi và hợp tác giữa bác sĩ và điều dưỡng hoặc các nhân viên chăm sóc khác.

B. Thực hiện đúng văn hoá theo thứ bậc khi trao đổi

C. Xây dựng và khuyến khích hệ thống báo cáo sự cố chủ động

D. A và C

Câu 4. Những yêu cầu của phẫu thuật chính xác người bệnh

A. Người bệnh chính xác

B. Phương pháp chính xác

C. Vị trí thủ thuật chính xác

D. Thời gian chính xác

E. A, B và C

Câu 5: Ra y lệnh miệng là

A. Không khuyến khích

B. Luôn cần thiết

C. Cần khuyến khích để công việc nhanh hơn

D. A và B

Câu 6. Khi nhận y lệnh miệng, cần phải:

A. Nhân viên nhận lệnh miệng phải viết ra và đọc lại đúng nguyên văn cho người bác sĩ đã ra lệnh nghe.

B. Người bác sĩ ra y lệnh phải xác nhận bằng miệng rằng lệnh đó là chính xác

C. Nhân viên nhận lệnh miệng viết lại y lệnh miệng và thực hiện ngay

D. A và B

Câu 7. Những từ rút gọn dùng để ghi trên hồ sơ bệnh án cần được ghi trên danh mục các từ rút gọn và ký hiệu không chính thức

A. Sai

B. Đúng

Câu 8. Vẽ sơ đồ về diễn tiến trao đổ thông tin và ghi nhận những điểm sai sót

Câu 9. Các nội dung cần thiết để cải tiến việc trao đổi thông tin của nhân viên:

Câu 10. Các nguyên tắc chung trong xác dịnh người bệnh