Website được thiết kế tối ưu cho thành viên chính thức. Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký để truy cập đầy đủ nội dung và chức năng. Nội dung bạn cần không thấy trên website, có thể do bạn chưa đăng nhập. Nếu là thành viên của website, bạn cũng có thể yêu cầu trong nhóm Zalo "CLBV Members" các nội dung bạn quan tâm.

Bài 1. Quản lý công tác nghiên cứu khoa học tại cơ sở y tế

1. Khái niệm:

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn [Luật khoa học và công nghệ 2013].

Bệnh viện là nơi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh [Quy chế bệnh viện].

Do đó, nghiên cứu khoa học trong bệnh viện thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, với điều kiện cần là đề tài đó phải có thứ nhất là tính mới, và thứ hai là tính ứng dụng (hữu ích).

2. Quản lý công tác NCKH:

2.1. Lập kế hoạch NCKH:

Cần phân tích rõ BV trong hiện tại có những điểm mạnh điểm yếu gì (về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài chính, yếu tố khách hàng…) từ đó xem xét những cơ hội và thách thức khi tiến hành triển khai NCKH. Việc này không nên là công việc của riêng phòng KHTH hay một bộ phận riêng lẻ, với các yếu tố tác động được quan sát bằng dữ liệu và kinh nghiệm trải đều ở các khoa phòng từ Kế toán đến phòng Tổ chức, Trang thiết bị, công tác xã hội… Do đó, việc tổng hợp thông tin để phân tích điểm mạnh điểm yếu – cơ hội thách thức nên có một bộ phận chuyên trách thu thập và phân tích trước khi đệ trình lên Giám đốc xem xét tổng thể.

Sau khi có phân tích tổng thể, Giám đốc là người lựa chọn mục tiêu. Tùy vào nguồn lực của bệnh viện mà mục tiêu kế hoạch có thể là mức 2 với chỉ 1 nghiên cứu khoa học với tư cách là đồng tác giả, hoặc mức 3 với ít nhất 1 nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, hoặc mức 4 với 3 nghiên cứu được nghiệm thu đồng thời đăng trên tạp chí khoa học trong nước, hoặc mức 5 với ít nhất 1 nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế.

2.2. Tổ chức

Ở bước lập kế hoạch đã thể hiện rõ các mức thang của hoạt động nghiên cứu khoa học. Để đạt mức thang chất lượng thứ 3 trở lên, bệnh viện cần tổ chức các đơn vị sau:

Một là, hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học với vai trò là đơn vị xét điều kiện cần nhất là một nghiên cứu là không vi phạm y đức. Hội đồng đạo đức được lập theo quyết định của Giám đốc bệnh viện.

Hai là, hội đồng xét duyệt đề cương/hoặc hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện, hội đồng này sẽ đánh giá tính mới và tính ứng dụng của đề tài để xem xét liệu có cho phép tác giả được thực hiện đề tài hay không.

Ba là, hội đồng nghiệm thu kết quả/hoặc hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện, hội đồng này đánh giá tổng thể đề tài nghiên cứu hoàn chỉnh để xem nghiên cứu có đạt được mục tiêu đề ra từ ban đầu hay không. Đề tài có thể không được nghiệm thu vì lý do phương pháp sai lệch làm sai lệch kết quả dẫn đến kết quả không trả lời được cho mục tiêu nghiên cứu.

Vậy, nếu cơ sở y tế có 1 đề tài nghiên cứu vượt qua các quy trình xét duyệt của 3 hội đồng trên, về cơ bản, bệnh viện đó đã có các điều kiện quan trọng để đạt mức 3 (C10.1). Và nếu yêu cầu của hội đồng khắt khe bằng các yêu cầu của tạp chí khoa học trong nước, dẫn đến việc yêu cầu đăng bài trên tạp chí dễ dàng với bài nghiên cứu đó, thì về cơ bản, bệnh viện đã có các điều kiện qua trọng để đạt mức 4.

Cũng cần xem xét ngược lại, đối với các bài nghiên cứu khoa học là luận văn tốt nghiệp của nhân viên y tế được cử đi đào tạo tại các trường trong năm đó, thì khó mà xét các đề tài này đủ điều kiện nghiệm thu ở cấp cơ sở, nếu ngay từ đầu thiếu bước xét duyệt đề cương của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của chính cơ sở đó, dù trường đại học có trình độ học thuật cao đến đâu.

2.3. Đào tao

Như mục đích sâu xa của quy định làm nghiên cứu khoa học trong bệnh viện là trau dồi kiến thức và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật cho nhân viên y tế. Hoạt động đào tạo có thể tiến hành theo tần suất 2 tháng/lần (mức 2), hoặc 1 tháng/lần (mức 3). Yêu cầu các buổi đào tạo không bắt buộc phải là kiến thức hàn lâm, mà chủ yếu cần tập trung vào những kiến thức và kỹ năng cần có để giải quyết vấn đề là hoàn chỉnh một bài nghiên cứu khoa học đúng phương pháp. Do đó, việc đào tạo có thể tổ chức tập trung quy mô số lượng học viên lớn hoặc quy mô số lượng nhỏ dưới phương thức đào tạo TWI.

2.4. Kiểm soát

Giám sát các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ được hội đồng đạo đức giám sát về khia cạnh đạo đức cũng như tuân thủ các quy định trong qua trình thực hiện đề tài [thông tư 04/TT-BYT ngày 5/3/2020]. Việc giám sát tính trung thực của số liệu và nội dung sẽ được hội đồng khoa học và công nghệ bệnh viện giám sát trước khi đề tài được đưa ra hội đồng nghiệm thu.

2.5. Báo cáo

Cũng như các hoạt động khác, để đo lường khách quan mức chất lượng triển khai nghiên cứu khoa học của đơn vị tại một thời điểm cụ thể cũng như so sánh giữa các thời điểm khác nhau, đánh giá chiều hướng phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học, chúng ta cần xây dựng các chỉ số đo lường hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Có thể đánh giá nhóm chỉ số nguồn lực như: tỷ lệ kinh phí đâu tư cho cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học trong năm/ tổng kinh phí chi mua sắm sửa chữa cơ sở vật chất; Tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng (NVYT) có đăng ký đề cương NCKH /tổng số bác sĩ, điều dưỡng/NVYT. 

Các chỉ số hiệu quả như: Tỷ lệ đề tài được phép triển khai/tổng số đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký tham gia xét duyệt đề cương; Tỷ lệ đề tài được nghiệm thu/trên tổng số đề tài xét duyệt.

Các chỉ số kết quả như: Tỷ lệ nghiên cứu do BV chủ trì/trên tổng số nghiên cứu tại bệnh viện trong năm; Tỷ lệ nghiên cứu phối hợp thực hiện; tỷ lệ nghiên cứu tham gia cung cấp số liệu; tỷ lệ nghiên cứu do đơn vị khác thực hiện tại Bệnh viện/tổng số nghiên cứu tại bệnh viện trong năm.

Tóm lại, Tóm lại, quản lý công tác nghiên cứu khoa học trong cơ sở y tế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ lập kế hoạch, tổ chức, đào tạo, giám sát đến báo cáo. Việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá minh bạch, toàn diện giúp theo dõi, đo lường hiệu quả và chất lượng nghiên cứu. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho nhân viên y tế và đảm bảo tuân thủ quy định về đạo đức nghiên cứu y sinh học. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Từ khoá